Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, họ liên tục cho ra đời những sáng kiến, sản phẩm có tính ứng dụng cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của TP HCM cũng như doanh nghiệp của mình.
Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9-2020, kỹ sư Trương Văn Tấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Ôtô chuyên dùng An Lạc (SP.SAMCO), cùng cộng sự tất bật hoàn thiện mẫu xe ép rác mới để giao cho khách hàng tại miền Trung. Sản phẩm này được thiết kế khá hiện đại, bắt mắt, có nhiều tính năng mới và thân thiện với môi trường. "Mỗi năm, SP.SAMCO đặt mục tiêu phải thiết kế, chế tạo 5-7 xe chuyên dùng mới. Chúng tôi phải nỗ lực hết sức, bởi chỉ cần chậm chân là mất đi cơ hội cạnh tranh" - ông Tấn bộc bạch.
Sống chết với nghề
Chúng tôi biết ông Tấn trước khi ông đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2004. Sau 16 năm vươn đến đỉnh cao nghề nghiệp, ông vẫn vậy, luôn sống chết với nghề và đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ. Nhắc đến ông Tấn, cánh thợ trẻ ở SP.SAMCO rất kính trọng bởi không chỉ quản lý giỏi, ông còn là người thầy có tâm, luôn sẵn lòng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm quý giá cho họ.
Hàng chục năm gắn bó, ông Tấn đã trải qua không ít thăng trầm với SP.SAMCO. Có thời điểm doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn đến mức phải cắt giảm lao động, nhiều thợ giỏi phải đầu quân nơi khác. Là người từng trải, ông Tấn hiểu rằng chỉ có đam mê sáng tạo mới có thể giúp người thợ trụ vững trong khó khăn và đó cũng là cách đưa DN đi lên. Do vậy, khi thực hiện các công trình, sáng kiến, ông luôn đòi hỏi khắt khe ở bản thân. "Sản phẩm sau nhất định phải có nhiều tính năng hơn sản phẩm trước, hiện đại nhưng phải dễ điều khiển, vừa bảo đảm an toàn lao động vừa bảo vệ tính mạng người lao động (NLĐ)" - ông bày tỏ.
Kỹ sư Đặng Quế Hùng và kỹ sư Trương Văn Tấn (giữa) giới thiệu sản phẩm xe ép rác mới với khách hàng
Công trình mới nhất mà ông Tấn và các kỹ sư, công nhân (CN) SP.SAMCO thực hiện là Trạm trung chuyển rác An Phú Đông (quận 12, TP HCM). Đây là trạm trung chuyển rác đầu tiên và là công trình điểm của quận 12 nên đội ngũ NLĐ SP.SAMCO chịu áp lực không nhỏ. Trước khi đồng ý thực hiện dự án, lãnh đạo quận 12 đã nghiên cứu kỹ hiệu quả hoạt động của các trạm do DN này lắp đặt. Ông Tấn đã dày công lên phương án thiết kế trạm với những tính năng nổi trội nhằm đáp ứng cao nhất yêu cầu của chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện dự án, ông Tấn cùng cộng sự đã chế tạo thành công đầu ép rác với giá thành chỉ bằng 1/2 thiết bị nhập ngoại.
Hôm Trạm An Phú Đông khánh thành, lãnh đạo quận 12 đánh giá rất cao tính thẩm mỹ, hiệu năng hoạt động của các thiết bị. Với quy mô lên đến 1.800 m2, công suất 240 tấn/ngày, trạm bảo đảm tiếp nhận và trung chuyển rác đến bãi xử lý trong ngày, giải quyết triệt để vấn đề tồn đọng rác gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ông Đặng Quế Hùng đang giới thiệu quy trình hoạt động của Trạm ép rác An Phú Đông với Ban Lãnh đạo Quận 12.
Trạm trung chuyển rác An Phú Đông đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. "Công trình có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện lộ trình chuẩn hóa quy trình thu gom, trung chuyển, vận chuyển rác theo quy định của UBND TP HCM; xóa bỏ dần các điểm tập kết rác lộ thiên, không đạt tiêu chuẩn, phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường" - ông Tấn nhìn nhận.
Hết lòng với thợ đàn em
SP.SAMCO hiện có 143 CB-CNVC, trong đó lực lượng kỹ sư, CN chiếm đến 3/4. Dù quy mô sản xuất không lớn nhưng đây là DN có uy tín trong lĩnh vực sản xuất các loại xe chuyên dùng: ép rác, tưới cây, rửa đường, hiến máu, sân khấu lưu động... Việc chuyên cung cấp các sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao về kỹ thuật đòi hỏi DN phải sở hữu đội ngũ lao động lành nghề.
Trò chuyện với chúng tôi, kỹ sư Đặng Quế Hùng, Giám đốc SP.SAMCO - đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2010, cho rằng chất lượng sản phẩm phụ thuộc trình độ tay nghề của người thợ. Do vậy, quy trình tuyển dụng của DN rất khắt khe. Thợ được tuyển phải là những người đã qua trường lớp bài bản, khi vào làm việc rồi vẫn cần đào tạo thêm.
Ông Hùng khẳng định: "SP.SAMCO luôn tạo điều kiện tốt nhất để người thợ nâng cao tay nghề, thể hiện khả năng sáng tạo. Mỗi bước tiến của người thợ là cả quá trình theo dõi, uốn nắn với sự trợ giúp của tập thể. Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ DN, người thợ cũng phải có ý thức hoàn thiện bản thân, cố gắng học tập nâng cao trình độ nếu như không muốn bị đào thải khỏi thị trường lao động".
Những lần đến xưởng sửa chữa của SP.SAMCO ở quận Bình Tân hay nhà máy đóng xe chuyên dụng tại huyện Củ Chi, chúng tôi luôn ấn tượng với tinh thần làm việc nghiêm túc, say mê nghề nghiệp của đội ngũ kỹ sư, CN. Người mới vào nghề luôn được thợ đàn anh kèm cặp, hướng dẫn tận tình. Những sai sót trong thao tác của thợ trẻ đều được thợ đàn anh chỉ vẽ, uốn nắn kịp thời. Kiểu "dắt tay chỉ việc" này giúp thợ trẻ tiến bộ rất nhanh, từ đó có thể đảm đương những công việc đòi hỏi độ khó cao hơn.
Trong quá trình lao động, nếu có ý tưởng sáng tạo, thợ trẻ chỉ cần mạnh dạn đề đạt là được lãnh đạo DN hỗ trợ hết mình. Nhờ cách làm này mà bình quân mỗi năm, đội ngũ kỹ sư, CN SP.SAMCO cho ra đời hàng chục sáng kiến giá trị và đây chính là nền tảng để DN phát triển bền vững hàng chục năm qua. Thu nhập ổn định, phúc lợi tốt và cơ hội thăng tiến rộng mở nên rất ít người rời bỏ SP.SAMCO.
Theo ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, SP.SAMCO là một trong những DN có những đóng góp xuất sắc cho phong trào "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo" do LĐLĐ TP phát động. Những kỹ sư tiêu biểu đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng của SP.SAMCO là hình mẫu dấn thân sáng tạo và hết lòng với lớp thợ đàn em.
"Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, họ liên tục cho ra đời những sáng kiến, sản phẩm có tính ứng dụng cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của TP HCM và DN mình. Với họ, sáng tạo là không có điểm dừng và hài lòng với chính mình sẽ tụt hậu" - ông Kiều Ngọc Vũ nhận xét.
(Theo Báo Người Lao Động)
Link bài viết: https://nld.com.vn/cong-doan/suot-doi-dan-than-sang-tao-20200901213513491.htm