TTO - TP.HCM có chủ trương bố trí nguồn vốn ngân sách cho Quỹ bảo vệ môi trường (QBVMT) để hỗ trợ người dân vay vốn chuyển đổi xe thu gom rác hợp quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thế nhưng nguồn vốn ít, việc giải ngân lại chậm. Từ đó nhiều người dân đã đặt đóng xe mới nhưng chưa có tiền để lấy.
Mẫu xe thu gom rác trưng bày tại Hội nghị chuyển đổi phương tiện vận chuyển, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Hóc Môn
Không có tiền lấy xe
Chiều 15-11, chúng tôi gặp gia đình chị Phan Thị Ngọc Ngân, ngụ huyện Hóc Môn (một hộ thu gom rác dân lập tại khu vực cầu Lớn) để tìm hiểu về vướng mắc chị gặp phải trong việc chuyển đổi xe phân loại rác.
Vừa kết thúc việc thu gom, anh Mai Thanh Tú, chồng chị Ngân, chạy chiếc xe máy có "độ" thêm thùng sắt phía sau vào sân nhà để dọn dẹp, chùi rửa. Đây là xe thu gom nằm trong diện phải chuyển đổi vì không đảm bảo vệ sinh môi trường và mất an toàn giao thông.
Anh Tú cho biết gia đình anh đã đăng ký vay QBVMT để mua xe mới nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền giải ngân.
Do đó anh vẫn dùng chiếc xe cũ để đi thu gom rác. "Vợ chồng tôi đóng xe hết hơn 700 triệu đồng, gia đình đã ứng trước 30% số tiền, tương đương 240 triệu đồng.
Phần còn lại phía QBVMT hứa cho chúng tôi vay nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được tiền. Khi liên hệ thì được biết quỹ này hết tiền nên chưa giải ngân được.
Để tiếp tục công việc, phía đơn vị đóng xe cấp cho tôi một tờ giấy và dặn nếu ra đường bị CSGT bắt thì trình cho họ biết mình đã chuyển đổi xe nhưng đang đợi giải ngân để có tiền nhận xe về" - anh Tú nói.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 20-11, ông T., giám đốc một HTX dân lập tại Q.9, cũng cho biết HTX ông đăng ký vay gần 8 tỉ đồng để chuyển đổi xe nhưng tiền giải ngân bị chậm. Để hỗ trợ HTX, công ty đóng xe đã vay vốn ngân hàng để đóng xe cho HTX.
Sau khi nhận xe, HTX phải trả tiền cho đơn vị đóng xe để trả lãi cho ngân hàng. Cụ thể, phía HTX chịu mức lãi suất 4,27%/năm, tương đương khoảng 30 triệu đồng/tháng.
"Chiều 26-11, sau một tháng phải chịu lãi thì phía QBVMT đã giải ngân cho HTX hơn 5 tỉ đồng. Hiện tại HTX chỉ còn chịu tiền lãi mỗi tháng (khoảng 10 triệu đồng) cho đơn vị đóng xe" - ông T. nói.
Chiều 21-11, chúng tôi đến nhà máy của Xí nghiệp cơ khí ôtô chuyên dùng SAMCO - đơn vị được TP giao trách nhiệm nghiên cứu chế tạo các xe thu gom rác đạt chuẩn để người dân chuyển đổi.
Chiếc xe mà gia đình chị Phan Thị Ngọc Ngân đặt đóng vẫn nằm trong kho của đơn vị này. Một lãnh đạo xí nghiệp cho biết tại đây vẫn còn gần 10 xe mà người dân đặt đóng để chuyển đổi nhưng chưa lấy được vì thiếu tiền.
Quỹ chỉ còn 158 triệu
Trao đổi với Tuổi Trẻ về tiến độ chương trình chuyển đổi xe thu gom rác, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết trước đây UBND TP yêu cầu phải thay thế các xe vận chuyển rác cũ trước ngày 31-10-2019.
Tuy nhiên để tạo điều kiện cho lực lượng thu gom rác dân lập sắp xếp đường dây thu gom rác, chuyển đổi phù hợp với khả năng, từ đó việc chuyển đổi này đã được thay đổi, gia hạn.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2020-2021, 100% quận nội thành và một số huyện ngoại thành hoàn tất việc chuyển đổi.
Trong một năm đầu sẽ hoàn tất việc sắp xếp lại các đường dây thu gom rác dân lập, xác định số xe cần chuyển đổi. Đồng thời, trong năm tiếp theo sẽ chuyển đổi theo hình thức "cuốn chiếu".
Từ năm 2022-2025, các huyện ngoại thành còn lại phải hoàn tất việc chuyển đổi. Về vấn đề vướng mắc của QBVMT, bà Mỹ cho biết trong thời gian qua quỹ đã duyệt cho vay 39 dự án đầu tư chuyển đổi xe với tổng số tiền 17,2 tỉ đồng và chuẩn bị tiếp tục giải ngân khoảng 15 tỉ đồng.
Một số đơn vị đã tiếp cận được nguồn vốn vay gồm có một HTX dân lập tại Q.9, HTX Nhơn Phú, HTX vệ sinh môi trường Tín Nghĩa và một số công ty tư nhân hành nghề thu gom rác.
Tính đến ngày 1-11, số vốn còn lại của quỹ này khoảng 158 triệu đồng. Bà Mỹ cho biết thêm thời gian qua Sở Tài nguyên - môi trường đã có nhiều văn bản báo cáo UBND về tình hình nguồn vốn và đề xuất cấp bổ sung vốn để quỹ kịp thời hỗ trợ người dân chuyển đổi xe thu gom.
Vào ngày 4-11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp, bố trí cấp vốn cho QBVMT để đảm bảo chương trình diễn ra đúng kế hoạch TP yêu cầu.
TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM):
Ngân sách được trích lại quá ít
Hiện nay ngân sách trung ương trích lại cho TP.HCM mỗi năm 18% để phát triển kinh tế - xã hội là quá ít.
Với số tiền trên nhưng TP.HCM phải cân đối ngân sách cho nhiều lĩnh vực khác nhau thì việc QBVMT bị thiếu vốn là không khó hiểu.
Không thể một sớm một chiều quỹ này có thể giải ngân để hỗ trợ người dân được. Hiện nay để nhanh và hiệu quả hơn, TP có thể hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho các đơn vị có mong muốn vay để chuyển đổi xe, có thể hỗ trợ 100% lãi vay để họ mạnh dạn đầu tư.
Tính về lâu dài thì việc này có lợi cho TP trong việc sớm đồng bộ được hệ thống xe thu gom, bảo vệ môi trường tốt hơn, đồng thời giảm tải áp lực cho nguồn ngân sách đang eo hẹp.
Ông Đặng Quế Hùng (Giám đốc Xí nghiệp cơ khí ôtô chuyên dùng SAMCO):
Khó cho cả doanh nghiệp và người dân
Phía SAMCO được TP giao nghiên cứu, chế tạo các xe thu gom rác mới để phục vụ việc chuyển đổi. Nhưng hiện nay có nhiều người dân dù đặt đóng xe nhưng không có tiền lấy, xe đóng xong vẫn tồn kho.
Từ đó, người dân thì không có xe mới để hoạt động. Xí nghiệp cũng phải tốn mặt bằng để xe, chi phí bảo dưỡng cho người dân và hơn cả là phải trích tiền túi để đóng mới các xe khác vì tiền đóng xe cho người dân chưa thu lại được.
Rất mong TP sớm giải ngân nguồn vốn để giải quyết khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
|
Theo Nhà báo Lê Phan - báo Tuổi Trẻ
Nguồn:https://tuoitre.vn/thieu-tien-de-chuyen-doi-xe-thu-gom-rac-20191128082502592.htm