Vì sao ô nhiễm rác ở miền Tây trải từ đất liền ra tới biển đảo?

     

     "Để xử lý rác, chúng tôi chỉ có thể chôn lấp, phun vi sinh tránh mùi hôi. Nếu tính toán chi phí tốn khoảng 5 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, việc xử lý như thế này không thể giải quyết hết lượng rác đổ về mỗi ngày. Về lâu dài nếu không có nhà máy xử lý, bãi rác cũng sẽ quá tải, ô nhiễm khó tránh khỏi", ông Nguyễn Văn Sao, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ.

     Hơn 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh Bạc Liêu (tỉnh Minh Hải tách ra thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau), địa phương này chưa có nhà máy xử lý rác, trong khi bãi rác lớn ở huyện Vĩnh Lợi và 2 điểm tập kết ở huyện Đông Hải và huyện Phước Long đã rơi vào tình trạng quá tải.

     Xử lý rác của Bạc Liêu chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân. Thực trạng này vô số lần làm "nóng" các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Bãi rác Tân Tạo (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) quá tải, được đậy bạt tạm thời để giảm mùi hôi, ô nhiễm (Ảnh: Hải Long).

25 năm chưa có nhà máy xử lý rác

    Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, địa phương đã nhiều lần kêu gọi xây dựng nhà máy xử lý rác, có một số nhà đầu tư quan tâm nhưng sau đó lại rút.

     Mới đây nhất, tháng 5/2019, Tỉnh này đã phối hợp với Công ty TNHH Sa Mạc Xanh tổ chức khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung đặt tại khu bãi rác Tân Tạo ở huyện Vĩnh Lợi. Dự án này có công suất 150 tấn/ngày, với tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 12 tháng.

     Đến nay đã 4 năm, chẳng thấy nhà máy xử lý rác ở đâu và nhà đầu tư cũng dừng dự án. Nguyên nhân được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đưa ra, do liên quan đến tài chhính.

     Ông Lữ Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, cho biết việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy không vướng cơ chế, chính sách, thế nhưng khó khăn nhất của xử lý rác đó là công nghệ.

     "Cho đến nay, công nghệ liên quan xử lý rác chưa được cấp trên hướng dẫn quy chuẩn cụ thể. Hầu như thời gian qua mỗi tỉnh đều tự bơi, xử lý rác theo điều kiện của mỗi địa phương. Chính vì thế không ít nhà đầu tư không đáp ứng được khâu này", ông Tùng cho hay.

     

Không có nhà máy xử lý, bãi rác chất cao "như núi" ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Hải Long)

     Trước thực trạng các bãi rác gây ô nhiễm, không chỉ Bạc Liêu mà nhiều tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tích cực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý.

     Năm 2020, vì thiếu khả năng xử lý, tỉnh Trà Vinh đã lên tiếng "cầu cứu" Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long hỗ trợ tuyến đường vận chuyển 30.000 tấn rác thải để xử lý theo hình thức đốt. Thế nhưng, UBND TP Cần Thơ đã phản hồi bằng công văn ...từ chối.

     Thực tế, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hện có khoảng 10 nhà máy xử lý chất thải rắn đang hoạt động. Thế nhưng, chỉ 2 khu mang tính chất liên tỉnh là ở Tân Thành (Long An) và Thới Lai (TP Cần Thơ), còn lại đều sở hữu công suất rất nhỏ.

     Đặc biệt hầu hết các địa phương vẫn áp dụng công nghệ chôn lấp tập trung tại chỗ. Trong bản quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, số liệu báo cáo cho thấy, chỉ có 19/124 bãi chôn lấp đảm bảo hợp vệ sinh. Điều này đồng nghĩa toàn vùng đang tồn tại trên 100 bãi rác không hợp vệ sinh, gây rủi ro cao về ô nhiễm.

     Và một nghịch lý nữa xảy ra, có địa phương sở hữu nhà máy xử lý rác với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, theo tiêu chuẩn quốc tế, thế nhưng nhiều năm nay đã "đắp chiếu" vô thời hạn.


Nhà máy xử lý rác ở Vĩnh Long xây xong, hoạt động được một thời gian sau đó "đắp chiếu" (Ảnh: Hải Long)

Chật vật tìm hướng giải quyết

     Ông Nguyễn Khắc Yên Đan, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật - Công ty Công trình Công cộng Vĩnh Long, kể suốt thời gian đơn vị quản lý bãi rác ở xã Hòa Phú (huyện Long Hồ), ông nhận vô vàn phản hồi.

     Thời điểm trước, nếu xảy ra sự cố tràn nước, công ty luôn kiểm tra và bồi hoàn cho vuông cá, vụ lúa chịu thiệt hại. Chỉ tính riêng năm 2022, công ty đã đền bù 4 lần với tổng kinh phí lên đến 1,2 tỷ đồng. Thế nhưng đó không phải biện pháp lâu dài.

     Ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh luôn giải trình từ đây đến cuối năm phải chọn được nhà đầu tư, nhưng còn ảnh hưởng chưa thu hồi mặt bằng của nhà máy Phương Thảo.

     "Các đơn vị chuyên môn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh sớm thu hồi mặt bằng giao cho trung tâm phát triển quỹ đất", ông Liêm thông tin.

Xử lý rác đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Hải Long)

     Ông Võ Quốc Bảo, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, cho biết tỉnh đang triển khai các thủ tục mời gọi nhà đầu tư nhà máy xử lý rác sinh hoạt với công nghệ tiên tiến thay thế công nghệ chôn lấp.

     Theo ông Bảo, tỉnh chọn công nghệ đốt, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Hiện tại ngành chức năng tổng hợp, điều chỉnh, trình cấp thẩm quyền ban hành tiêu chí để chọn nhà đầu tư.

     "Sau khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ công bố thông tin dự án để các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án theo quy định", ông Bảo cho hay. 

     Không chỉ ở đất liền mà vấn đề nan giải trong xử lý rác cũng ra tận đảo xa, trong đó có "đảo ngọc" Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). 

     Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP Phú Quốc hiện có duy nhất bãi rác tạm Đồng Cây Sao nằm trên địa bàn xã Cửa Dương, được lập từ năm 2019. Bãi rác này dài khoảng 1km, rộng hơn 100m, cao hơn 10m trông như một "dãy núi" trên đảo.

     Nơi đây tiếp nhận mỗi ngày khoảng 200 tấn rác trên địa bàn TP Phú Quốc. Mùi hôi từ bãi rác đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân địa phương, cũng như khách đến du lịch.

Bãi rác tạm Đồng Cây Sao ở TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 tấn rác (Ảnh: Huỳnh Hải)

     Ông Nguyễn Minh Hùng, Trưởng ban quản lý công trình công cộng TP Phú Quốc, cho biết để tránh ô nhiễm và mùi hôi thối từ bãi rác ra môi trường xung quanh, đơn vị chỉ xử lý bằng cách thường xuyên phun hóa chất vi sinh.

     Hồi tháng 12/2022, nhà máy xử lý rác Bãi Bổn của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Minh Thuận Thành sau thời gian chạy thử nghiệm không đạt yêu cầu, tỉnh Kiên Giang đã thu hồi chủ trương và giao cho Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc tìm nhà đầu tư mới .

     Theo ông Hùng, trước mắt để xử lý rác ở bãi rác Đồng Cây Sao, có đơn vị đã trúng thầu hợp đồng xử lý thời hạn 22 tháng, kinh phí 50 tỷ đồng. Phương pháp xử lý chủ yếu là đốt rác.

     "Nhà thầu đã cho san lấp mặt bằng rộng hơn 11.000 m2 ngay cạnh bãi rác tạm. Trong đó, lắp đặt khu nước thải, nhà xưởng đốt rác, tro xỉ đem chôn,..." ông Hùng cho hay.

     Tuy nhiên, việc xử lý rác như trên cũng chỉ tạm thời, về lâu dài cần phải có nhà máy xử lý rác. "Nhà đầu tư phải có năng lực, tâm huyết, hiệu quả cao, phù hợp với sự phát triển du lịch của địa phương", ông Hùng mong muốn.

     Người dân ở Phú Quốc mong chờ rác thải được xử lý tốt nhất để tránh ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến đời sống của họ (Ảnh: Huỳnh Hải)

Mơ ước chục năm

     Năm 2013, Vĩnh Long khởi động nhà máy xử lý rác hiện đại nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Nghe tin, ông Năm Lợi (ngụ xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) vui lắm. Thế nhưng, cầm cự nửa năm, núi rác vẫn cao, công trình đã ngưng hoạt động do không đủ kinh phí.

     Đến tháng 9/2016, tỉnh nhà tiếp tục cho tái hoạt động xử lý bằng phương pháp đốt truyền thống. Chẳng biết nó là gì, sẽ hiệu quả đến đâu, nhưng chỉ cần giúp được dân, ông Năm Lợi vẫn vui mừng.

     Thêm thời gian nữa, nhà máy tiếp tục ngưng.

     Đã 10 năm kể từ khoảnh khắc nhà máy Phương Thảo xuất hiện, giờ nó vẫn đóng cửa. Tấm biển hiệu "Nhà máy xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo" đóng bằng thép, treo rất cao trên tuyến quốc lộ 1 xuôi về các tỉnh miền Tây đã từng là niềm tự hào.

     Giờ đây, qua nắng mưa, nó bạc màu. Còn người dân xã Hòa Phú ... vẫn chờ có nhà máy rác trong mòn mỏi.

Nguồn: dantri.com.vn