Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP.HCM khoảng 7.000 đến 7.500 tấn mỗi ngày.
Để thu gom và xử lý số chất thải này, TP đã phải chi ra hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Trong khi đó, số tiền thu về từ vệ sinh phí của người dân chỉ đạt chưa đến 4% số chi ra từ ngân sách, dẫn đến việc thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt hằng ngày đang trở thành gánh nặng cho ngân sách TP.
(Ảnh: Hoàng Vương)
Theo thống kê của Sở TN-MT TP.HCM, trong năm 2012, số kinh phí ngân sách chi cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác lên đến gần 1.900 tỉ đồng; trong khi đó, số thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường vào ngân sách toàn TP chỉ hơn 55 tỉ đồng, đạt 2,9%. Tương tự, năm 2013, số thu phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường là hơn 57 tỉ đồng, chỉ bù đắp được 3,1% số kinh phí ngân sách chi cho công tác thu gom và xử lý rác.
“Người gây ô nhiễm phải trả tiền”
Vừa qua, TP.HCM đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như trạm ép rác kín, làm phân compost, thu khí phát điện, đốt… đã thu hồi được một phần giá trị phế liệu. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện chương trình xã hội hóa các dịch vụ công, TP đã không phải đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn trị giá hàng trăm tỉ đồng mỗi năm đã giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, so với số chi ra cho công tác thu gom và xử lý rác thải thì hiện nay vẫn là một vấn đề bức bách.
Nhiều nước trên thế giới sử dụng hai công cụ phổ biến trong quản lý chất thải là phí và thuế bảo vệ môi trường, nhằm giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước khi đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Tại Việt Nam, từ năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15.11.2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nêu rõ “Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường. Từng bước thực hiện việc thu phí, ký quỹ bảo vệ môi trường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường”. Tại Thông tư 97/2006 ngày 16.10.2006 về hướng dẫn phí và lệ phí quy định phí vệ sinh là khoản thu nhằm bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn địa phương, như: chi phí cho tổ chức hoạt động của đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo quy trình kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền quy định (chưa bao gồm chi phí xử lý rác đảm bảo tiêu chuẩn môi trường)... Để thực hiện chủ trương trên, năm 2008, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 88/2008 về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM, theo đó, mức thu phí được phân biệt theo các loại đối tượng là cá nhân cư trú, hộ gia đình, đơn vị hành chính, sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với mức phí mỗi tháng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với hộ gia đình và từ 60.000 đồng đến 110.000 đồng đối với cơ sở và 420.950 đồng/tấn rác thải đối với nhóm thu theo khối lượng chất thải phát sinh.
Tiến tới xóa bỏ bao cấp
Theo Sở TN-MT TP.HCM, với mức thu như vậy đến nay đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, việc thu phí vệ sinh tại một số địa phương vẫn chưa hiệu quả và có mức thu về ngân sách còn thấp. Dù nhiều hộ dân, đơn vị không tuân thủ đóng phí theo quy định nhưng các đơn vị thu gom vẫn phải tiến hành thu gom để đảm bảo chất lượng vệ sinh trên địa bàn, dẫn đến tình trạng ỷ lại của người dân và chủ nguồn chất thải, có trường hợp dân đem bỏ chất thải ra các nơi công cộng, gây ảnh hưởng chất lượng vệ sinh chung của thành phố.
Như vậy, có thể thấy rằng, với mức thu phí vệ sinh như hiện nay, hầu hết người dân TP và các nhóm đối tượng kinh doanh đang được TP bao cấp gần như toàn bộ kinh phí quản lý chất thải rắn của TP, việc thu phí vệ sinh chỉ bù đắp một phần rất nhỏ so với chi phí rất lớn cho công tác thu gom, xử lý chất thải mà ngân sách TP đang gánh chịu. Sở TN-MT TP.HCM cho biết thời gian tới, TP sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp tăng cường quản lý, điều chỉnh mức giá thu nhằm giảm dần việc bao cấp, tiến đến xóa bỏ bao cấp trong công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.
(Theo Báo Thanh Niên)