Sau thời gian vận hành thử nghiệm, hai trạm trung chuyển rác hiện đại có công nghệ tiên tiến của Đà Nẵng đã góp phần nâng cao hiệu quả thu gom rác thải trong khu vực đô thị, đặc biệt xóa các điểm tập kết tạm thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. Người dân từ chỗ phản đối đã dần tin tưởng vào hiệu quả của các trạm trung chuyển này.
Xóa đi lo lắng của người dân
Ô nhiễm tại các bãi tập kết rác tạm, nhỏ lẻ từng là vấn đề môi trường nhức nhối của thành phố Đà Nẵng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, lượng phương tiện ô tô, xe máy của thành phố là rất lớn, đậu đỗ nhiều trên đường, xe rác khó tiếp cận các điểm tập kết thùng rác để gắp đi, gây ách tắc giao thông. Do đó, chủ trương của TP. Đà Nẵng cho đầu tư xây dựng tại mỗi quận một trạm trung chuyển rác thải là thiết thực, góp phần hiện thực hóa đề án xây dựng Đà Nẵng là Thành phố môi trường.
Tuy nhiên, thời điểm ban đầu khi lấy ý kiến cộng đồng người dân tại các khu dân cư sẽ đặt trạm, tỉ lệ phiếu tán thành là 0% bởi không ai muốn đưa bãi rác về gần nhà mình. Để tạo được sự đồng thuận từ phía người dân, chính quyền TP. Đà Nẵng đã kiên trì tổ chức đối thoại, vận động người dân trong thời gian dài.
Đến tháng 5/2022, sau gần 1 năm thi công, trạm trung chuyển chất thải rắn khu vực Lê Thanh Nghị đã đi vào vận hành thử nghiệm. Vào đầu năm 2023, tiếp tục trạm trung chuyển rác thải Sơn Trà được đưa vào vận hành.
Để hạn chế nhất các yếu tố tác động đến môi trường xung quanh, các trạm trung chuyển này đều sử dụng công nghệ ép rác hiện đại, nước rỉ rác sẽ được thu vào mương chảy về trạm xử lý sơ bộ đảm bảo yêu cầu trước khi chuyển về Trạm xử lý nước thải, đồng thời thiết kế hệ thống hút mùi để thu toàn bộ mùi phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải.
Sau thời gian đi vào vận hành các trạm trạm trung chuyển rác cho thấy, hiệu quả thu gom, vận chuyển rác tăng lên đáng kể, chất lượng vệ sinh đô thị được nâng lên, đường phố sạch sẽ hơn, đặc biệt là xóa, giảm thiểu nhiều điểm tập kết rác thường xuyên gây ô nhiễm.
Bên cạnh việc đầu tư, vận hành các trạm trung chuyển, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cũng đầu tư đồng bộ hơn 20 xe ép rác loại nhỏ thuận lợi thu gom, vận chuyển rác trên các tuyến đường nhỏ trong đô thị cũng như lưu hành bên trong trạm trung chuyển... không chỉ nâng cao chất lượng vệ sinh đô thị mà còn bảo đảm môi trường, giao thông trên các tuyến phố và sức khỏe, điều kiện sống của người dân so với trước đây.
Ông Thái Tường nhà ở tổ 72, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu gần trạm trung chuyển rác Lê Thanh Nghị cho biết, trước đây đa phần người dân đều có chung suy nghĩ việc đặt trạm trung chuyển gần nhà sẽ gây ô nhiễm. Bây giờ nhìn thấy trạm trung chuyển được đầu tư bài bản, quy mô không phát sinh mùi hôi và ô nhiễm. Người dân đã tạm yên tâm phần nào.
Phấn đấu mỗi quận có 1 trạm
Theo ông Nguyễn Trọng Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng), khi đưa trạm trung chuyển rác ở đường Lê Thanh Nghị vào hoạt động, tốc độ vận chuyển rác sinh hoạt được thực hiện nhanh, rút ngắn thời gian gấp 2-3 lần so với trước đây. Từ đó, giảm khối lượng rác tập kết tại các điểm, góp phần xóa nhiều điểm tập kết rác cũng như giảm quy mô tập kết thùng rác rõ rệt, nhất là ở đường Nguyễn Hữu Thọ, Duy Tân, Trưng Nữ Vương, Chi Lăng, Hoàng Văn Thụ, khu vực chợ Mới...
Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, đánh giá bước đầu hiệu quả vận hành các trạm trung chuyển rác cho thấy, thời gian thu gom rác trên đường phố, khu dân cư bảo đảm theo khung giờ cố định; thời gian quay vòng xe thu gom rác được rút ngắn từ 45 phút (lên bãi rác Khánh Sơn) giảm xuống còn 10 phút (đưa về trạm trung chuyển) giúp công tác thu gom, vận chuyển được ổn định, giải phóng nhanh và không gây ùn ứ rác trong khu dân cư. Số điểm tập kết, tập kết tạm thùng rác đã giảm; khối lượng rác vận chuyển từ trạm trung chuyển rác khu vực quận Sơn Trà lên bãi rác Khánh Sơn giảm 9,8% và từ trạm trung chuyển rác ở đường Lê Thanh Nghị giảm 7,9%, giúp chi phí vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn và chi phí xử lý rác giảm từ 7,9-9,8%...
Các trạm trung chuyển rác còn gián tiếp mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc cải thiện mỹ quan đô thị, điều kiện sống của người dân và hỗ trợ tăng trưởng khối ngành dịch vụ, du lịch, các ngành công nghiệp khác. Kể từ khi các trạm trung chuyển rác đi vào vận hành đến nay, chưa có ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề môi trường; hoạt động bảo đảm hiệu quả so với mục tiêu đầu tư thành phố đã phê duyệt.
Để tăng cường hiệu quả vận hành các trạm trung chuyển rác, Sở TN&MT đề xuất UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư các trạm trung chuyển rác theo quy định, báo cáo UBND thành phố. Đồng thời, xây dựng phương án, quy trình và triển khai vận hành trạm trung chuyển vào các ngày có khối lượng rác tăng đột biến (dịp cuối tuần, lễ, lễ hội, tết...) và khi có sự cố để bảo đảm hiệu quả, an toàn, vệ sinh môi trường.
UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng rà soát, điều chỉnh phương án thu gom, vận chuyển rác phù hợp, gồm cả rác cồng kềnh bảo đảm phạm vi phục vụ của các trạm trung chuyển rác, đề án thu gom rác theo giờ và tình hình thực tế.
Phát huy hiệu quả 2 trạm trung chuyển rác nói trên, thành phố đang chuẩn bị triển khai 1 trạm khu vực quận Cẩm Lệ (tại phường Hòa Xuân), thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư trạm khu vực quận Ngũ Hành Sơn và nâng cấp trạm ở đường Nguyễn Đức Trung (quận Thanh Khê) nhằm nâng cao chất lượng thu gom rác sinh hoạt, góp phần xây dựng thành phố môi trường.
Nguồn: Lan Anh / baotainguyenmoitruong.vn